12/09/2018 01:49
Lượt xem:
716
Triển khai thực hiện Quyết định 1956/2009 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án 1956), thời gian qua, huyện ta đã chú trọng mở các lớp đào tạo nghề cho người lao động gắn với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của Trung ương và của tỉnh.
Theo đó, từ năm 2010 đến nay, huyện đã mở 62 lớp đào tạo nghề cho hơn 1.450 lao động nông thôn theo Đề án 1956. Trong đó, có 41 lớp đào tạo nghề nông nghiệp, còn lại là các lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp. Trong quá trình học nghề, các học viên đều được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Nhà nước, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 2,6 tỷ đồng. Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho học viên đi lại, học tập, ngoài những lớp mở tại Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú Khánh Sơn, các ngành liên quan đã phối hợp tổ chức lớp học ngay tại địa bàn các xã. Nhằm giải quyết đầu ra cho người lao động, chính quyền địa phương và cơ sở dạy nghề đã tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường lao động, đảm bảo học viên có việc làm sau đào tạo. Đến nay, đã có 444 lao động sau đào tạo được các công ty, doanh nghiệp tuyển dụng (chủ yếu là may công nghiệp, xây dựng, mộc dân dụng), khoảng 860 lao động tự tạo việc làm. Đó là kết quả rất có ý nghĩa trong công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại địa phương, giúp người lao động tìm kiếm hoặc tự tạo việc làm, góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân.
Ảnh: Nhiều người lao động sau khi được đào tạo nghề may đã có việc làm ổn định
Đinh Luận